Hotline:

Đủng đỉnh, mặc kệ đường tắc nghẽn


(ANTĐ) - Từ ngày 23-10, khi dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắt đầu được triển khai, cũng là lúc tuyến đường chủ đạo ở cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô này liên tục rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Trong khi các lực lượng duy trì TTATGT triển khai 24/24 giờ thì theo quan sát của phóng viên An ninh Thủ đô, các đơn vị thi công lại làm việc khá đủng đỉnh.

21h tối 1-11, ngoài vài chục công nhân đang làm thủ công, bóc tách lớp keo cũ trên bề mặt cầu, toàn bộ nửa mặt cầu đã được rào lại vắng lặng. Nửa mặt cầu bên kia, từng chiếc ôtô nhẫn nại xếp hàng một để qua cầu. Nguy cơ ùn tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi chỉ cần một chiếc xe dừng lại là sẽ chặn toàn bộ làn xe duy nhất ở mỗi bên.

23h30, công trường đóng cửa. Chỉ còn một vài công nhân, bảo vệ trông công trường và lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT chốt trực ngăn chặn những phương tiện vi phạm, xử lý sự cố khi có tai nạn xảy ra. Một công nhân cho biết, không hiểu sao đơn vị thi công lại không cho thi công thêm ca đêm để khai thác hết công suất.

Đây! Hiện trạng thi công được chụp chiều 2-11

Nhiều công việc như cào bóc, thu dọn… có thể làm đêm nhưng không hiểu sao vẫn để ngổn ngang, bừa bộn, chờ đến ban ngày mới làm tiếp. Vài ngày gần đây, khi nhìn thấy cảnh dựng “lô cốt”, rào chắn, trong khi công nhân thưa thớt, máy móc thi công lèo tèo, nhiều lái xe đã không giấu nổi bức xúc khi bị ùn tắc.

Một số cán bộ chốt trực tổ chức điều hành giao thông tại hiện trường cho biết, họ rất ngạc nhiên bởi trong khi các lực lượng này phải ứng trực 24/24h mỗi ngày thì đơn vị thi công không tập trung phân phối nhân lực, công việc để hoàn thành tiến độ sớm. Không hiểu do năng lực của đơn vị thi công hay còn vấn đề kỹ thuật mà họ không tranh thủ tối đa trong hoàn cảnh tuyến giao thông huyết mạch cực kỳ căng thẳng này thi công xong sớm được ngày nào sẽ giảm thiểu thiệt hại kinh tế, trễ nải công việc chung của xã hội và bức xúc cho người tham gia giao thông ngày đó.

Được biết, từ ngày khởi công đến nay, 2 đơn vị thi công chỉ làm việc từ khoảng 6-7h sáng cho đến 23 giờ, hôm nào muộn nhất chỉ đến 1h. Trong khi từ thời điểm này cho đến cuối năm, các hoạt động vận tải qua lại sẽ tiếp tục đông hơn, thi công càng xong sớm càng tiết kiệm được tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Mọi sự chậm trễ sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc, thiệt hại khó có thể lượng hóa hết được.

Cách đây chưa lâu, tại một số cuộc họp với thành phố, bàn về phương án phân luồng, tổ chức lại giao thông, một số đơn vị đã kiến nghị lùi thời điểm thi công để sau Đại hội thể thao châu á trong nhà 2009 tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được chấp thuận. Thời điểm dựng rào chắn, bắt đầu triển khai thi công dự án đúng vào lúc diễn ra Đại hội thể thao này nên nguy cơ ùn tắc càng tăng thêm.

Ùn ứ phương tiện chuẩn bị lên cầu Thăng Long (ảnh chụp lúc 19h ngày 2-11)

Tính đến thời điểm hiện nay, 2 đơn vị thi công là Công ty cổ phần Bảo Quân và cổ phần thương mại tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng đã cào bóc được 5 khoang, nhanh hơn so với dự kiến 2 khoang. Tuy nhiên việc nhanh hay chậm trong thi công dường như chỉ có ý nghĩa nhiều đối với việc tính toán lộ trình ban đầu. Điều này có nghĩa là tiến độ thi công hoàn toàn có thể rút ngắn hơn, và sự vắng vẻ, không cho thi công ca 3 trên công trường đòi hỏi rất cao về tiến độ này quả thực là một sự khó hiểu về năng lực tổ chức thi công của nhà thầu.

Ông Trần Đăng Hải - Phó chánh Thanh tra GTVT Hà Nội cho biết, số lượng xe qua cầu hiện tại là rất lớn. Giờ cao điểm, trung bình mỗi làn có tới 25 xe/phút qua lại, mỗi tiếng là 1.500 xe qua, vì vậy chỉ cần một sơ suất nhỏ, va chạm nhỏ nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến ùn tắc, gây hiệu ứng domino tới cả các khu vực khác nên lực lượng ứng trực không chỉ riêng trên cầu mà trải khắp các đầu mối giao thông khác tận Sóc Sơn, Xuân Đỉnh, Hoàng Quốc Việt… Hiện tại đơn vị thi công đã không làm việc với công suất tối đa, vì vậy cần phải tăng cường 3 ca, đẩy nhanh tiến độ hơn để giải phóng mặt cầu.

Việc sửa chữa, bảo dưỡng cầu theo định kỳ là việc làm quan trọng và tình trạng ùn tắc giao thông cũng là việc khó tránh khỏi với lưu lượng phương tiện đông như hiện nay. Tuy nhiên, việc dựng rào chắn, “lô cốt” chiếm giữ mặt cầu trong khi thi công với tốc độ như hiện nay của các nhà thầu là một việc làm thiếu trách nhiệm với xã hội.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét