Hotline:

Chữa cháy cho nhà cao tầng: Lo hoài chưa hết (kỳ I)


Hà Nội hiện có hàng trăm công trình, khách sạn, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư cao tầng đã được đưa vào sử dụng. Tại các tòa nhà này, hầu hết đều được thiết kế, trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn vẫn luôn tiềm ẩn trong khi phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng được...

Nấu ăn, hóa vàng ngay tại cầu thang thoát hiểm.

Cầu thang thoát hiểm biến thành nơi nấu ăn, chứa đồ

Qua khảo sát khu nhà chung cư tái định cư tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (TH-NC) điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy đó là sự lộn xộn, bừa bãi tại các khu nhà này. Quan sát thực tế tại 2 tòa nhà N2E và N2F, khu vực sân xung quanh tòa nhà, hàng quán bày bán khắp nơi, xe cộ, đồ ăn, bếp than để rất lộn xộn. Cách đó không xa, trong tầng hầm để xe, không hề có vạch sơn kẻ để phân định lối đi và nơi để xe, bàn thờ, bát hương vẫn được "bố trí" trong nhà để xe. Ngay gần đó, nơi để các phương tiện cứu hỏa đã bị 2 chiếc xe máy chặn kín. Đặc biệt, tại cầu thang thoát hiểm của tòa nhà N2F, ngoài hành lang, trên các bậc cầu thang, xe đạp, thang giường, thùng cát-tông... được các hộ dân nơi đây ngang nhiên sắp đặt, chuyển thành nhà kho cho riêng mình, thậm chí có cả hộ dân dùng bếp than nấu ăn ngay tại khu vực này. Khi được hỏi tại sao lại nấu ăn ở đây, một chị hồn nhiên trả lời: "Nấu ở đây cho đỡ khói và mùi ". Bên cạnh đó, tại hầu hết các tầng, rất nhiều hộ dân sử dụng cầu thang thoát hiểm làm nơi hóa vàng mã. Đây thực sự là những vấn đề rất đáng lo ngại cho công tác PCCC nơi đây. Không hiểu, với sự vô ý thức và thiếu trách nhiệm như vậy, trong trường hợp xảy ra sự cố cháy các hộ dân này sẽ đổ lỗi cho ai?

PCCC cơ sở đã yếu còn chủ quan

Mặc dù các tòa nhà cao tầng được trang bị các phương tiện PCCC khá đầy đủ như vòi nước cứu hỏa, bình xịt, hệ thống báo cháy tự động... tuy nhiên không phải lúc nào các thiết bị này cũng có thể sẵn sàng phát huy hiệu quả khi xảy ra sự cố. Tại một số tòa nhà, các thiết bị này hầu như được trang bị với mục đích... trang trí, chứ ít khi được kiểm tra, bảo dưỡng. Hơn nữa, lực lượng cán bộ PCCC cơ sở còn quá mỏng và yếu, thậm chí còn có người chưa biết sử dụng các phương tiện chữa cháy.

Như tại khu nhà chung cư tái định cư TH-NC (gồm 18 tòa nhà), mặc dù đã thành lập đội PCCC cơ sở với 110 người, tuy nhiên tính trung bình mỗi tòa nhà chỉ có 6 cán bộ PCCC, đây là con số không nhiều để có thể đảm nhiệm tốt được công tác PCCC. Bên cạnh đó, qua kiểm tra tại 2 tòa nhà N2E và N2F (khu chung cư tái định cư TH-NC), Phòng cảnh sát PCCC - Công an Hà Nội đã phát hiện hệ thống báo cháy tự động của 2 tòa nhà không còn hoạt động, một số họng nước chữa cháy vách tường đã bị mất đầu nối ren trong, thiếu lăng phun, vòi chữa cháy. Cùng đó, cửa buồng thang thoát nạn ra sân của tòa nhà N2F đã bị khóa, trong khi theo quy định cửa này phải được đóng mở tự động để hỗ trợ cho công tác cứu nạn khi xảy ra sự cố cháy. Một vấn đề đặt ra nữa đó là, sự quản lý lỏng lẻo của cán bộ PCCC cơ sở, ở tòa nhà N2F, hầu như suốt dọc hành lang thoát nạn đều bị người dân sử dụng trái mục đích, thậm chí còn có những việc làm làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn như xây gạch ngay tại cửa dành cho cầu thang, nấu ăn, hóa vàng mã, để các vật dụng dễ cháy nổ ngay gần bếp than... Tuy nhiên, việc làm này đã tồn tại trong thời gian khá dài, không lẽ các cán bộ PCCC cơ sở lại không biết hay biết mà vẫn làm lơ để những việc làm này ngang nhiên diễn ra.

Tổ chức, chủ động PCCC tại cơ sở là một điều vô cùng cần thiết đối với những nhà cao tầng, bởi lẽ khi xảy ra sự cố cháy tại đây, việc tổ chức cứu hỏa sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các loại hình nhà khác. Hơn nữa, lực lượng và phương tiện PCCC hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu khi có sự cố cháy tại các tòa nhà cao tầng. Đây cũng là một vấn đề được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua.

Anh Tuấn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét