Hotline:

Nỗi niềm nhà cho thuê trọ


(ANTĐ) - Căn phòng nhỏ hẹp dưới gầm cầu thang có 4 người ở, lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc Thiện đưa ngón tay lên miệng “suỵt” một tiếng nhẹ: “Nếu các cậu nói chuyện to ngày mai tôi sẽ bị ra khỏi nơi trọ này”.

Khi nhận được kết quả đỗ đại học, Nguyễn Văn Thiện, quê Thanh Hóa vội vàng ra Hà Nội thuê phòng trọ để chuẩn bị cho “hành trang vào đời”. Lục tục đến vài điểm, cuối cùng, Thiện đã đến con ngõ 33 phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân.

Thiện gõ cửa nhà cuối ngõ, chủ nhà bước ra. “Các cậu cần thuê nhà à?” - miệng hỏi nhưng cặp mắt vẫn lăm lăm dò xét, rồi liên tục đưa ra những câu như: Học gì? Quê quán? Có giấy tờ gì không?… Sau hồi lâu, chủ nhà đã chấp nhận cho thuê phòng với giá 800 nghìn đồng/phòng/tháng. Đây là căn phòng được xếp vào loại trung bình, phải dùng chung công trình phụ. Căn phòng Thiện thuê trọ, nằm dưới gầm cầu thang, được cải tạo lại cửa, rộng chừng 10m2. Trong bản hợp đồng với chủ nhà, Thiện ở trọ nhưng không được nói to gây mất trật tự và không đi chơi quá 21h30. Thiện tâm sự: “Có ở trọ mới biết. Không phải ai cũng nhìn mình với ánh mắt thân thiện. Mình chỉ cần làm phật ý chủ là bị đuổi ra khỏi nhà ngay”.

Trong kinh nghiệm của những cựu sinh viên thuê trọ, cuộc sống khởi đầu của đời sinh viên là thích nghi với việc “chuyển trọ và tìm nơi trọ”. Thiếu nhà thuê trọ là vấn đề “nóng”, đặc biệt đối với sinh viên tới đây chuẩn bị đến ngày nhập học. Nhiều sinh viên ở tỉnh xa đã liên hệ thuê nhà trọ trước hàng tháng, ngay khi biết kết quả thi, tuy nhiên cũng không dễ tìm được nhà trọ. Trong khi đó, số phòng tại ký túc xá dành cho sinh viên của mỗi trường, chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng sĩ số sinh viên. Hơn nữa, không phải trường nào cũng có ký túc xá.

Cảnh sinh hoạt chật chội gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của sinh viên

Tôi có người em vào học tại Đại học Hà Nội, cậu ấy nhờ tìm giúp một phòng trọ ở gần trường. Sau hồi lâu tìm kiếm quanh khu vực “xóm trọ Phùng Khoang”, tôi cũng đã chọn được một phòng trọ vừa ý. Nhưng chủ nhà giao kèo trước: “Giá 8 trăm nghìn không được để xe máy, tầng 5, không được tiếp khách sau 22h và không được nấu nướng, nếu chấp nhận được thì ở”.

Ngày cậu em tôi chuẩn bị nhập học, bố cậu mang một con gà làm quà cho con thì phải mang ra hàng thuê làm, rồi thuê nấu. Khi ăn không hết, hai bố con thật thà tiếc của đã gói về phòng trọ để sáng hôm sau ăn nốt. Nhưng, thật không may, bị chuột tha vương vãi khắp nơi, sáng dậy bà chủ nhà “điều tra” biết được đã “mời” 2 bố con đi tìm chỗ trọ khác.

Khi tôi đến xóm trọ ở xã Trung Văn tìm hiểu về đời sống sinh viên thuê trọ, mới thấy cảnh sinh hoạt thật phức tạp. Khoảng sân nhỏ chừng 1m2 người thì tắm, người vo gạo, người gội đầu... Trên bức tường gắn vòi nước ghi “WC”, tất cả mọi hoạt động đều diễn ra trên góc nhỏ đó. Trần Thanh Thủy, sinh viên trường Văn thư lưu trữ cho biết: “Mỗi dãy là 8 phòng quay mặt vào nhau, tất cả đều chung “công trình phụ này”. Sáng ra cảnh tắc nghẽn là chuyện thường”.

Thiếu nước là chuyện thường ngày ở xóm trọ

Cô sinh viên tên Sinh cùng phòng trọ với Thủy góp chuyện: “Em học ở mãi trên Xuân Đỉnh nhưng phải thuê ở đây vì trên đó không còn nhà cho thuê trọ”. Sinh cho biết: “Bạn tôi em học trường Đại học Công đoàn đã phải nộp tiền oan 2 lần vì bị “cò nhà trọ” lừa khi thuê nhà tại đường Khương Đình, Thanh Xuân. Khi mới ra nhập học, cô ấy đã bị một thanh niên dắt đến chỉ phòng trọ đưa chìa khóa và bảo nộp tiền luôn 6 tháng liền với giá 6 trăm nghìn đồng/tháng.

Chân ướt chân ráo cô ấy không biết gì nên nghe theo. Trưa hôm sau khi chủ nhà đến, cô mới té ngửa mình bị lừa. Thuê nhà trọ đã khó, thuê được nhà trọ tốt còn khó gấp bội. Nhiều khu trọ mất nước triền miên, điện cắt liên tục. Có những nơi, sinh viên sống ẩm thấp, nước ngập lõng bõng, nhưng khi “kêu” đến chủ nhà thì họ nói “có thế thôi, thuê thì thuê”. Thế đấy, từ quê ra cốt sao có chỗ trú mưa nắng để học hành nên chuyện khổ sở họ đều coi nhẹ như lông hồng.

Tuy nhiên, có nơi trọ phức tạp quá không thể chấp nhận được mãi nên nhiều sinh viên lại phải nhọc nhằn tìm nơi ở mới. Thủy cho biết: “Chúng tôi ở cùng với khu có con trai, lại chung một nhà tắm, vệ sinh phức tạp quá nhưng chẳng biết làm sao được, cố chấp nhận thôi”.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét