Hotline:

Dự án thay mặt cầu Thăng Long: Cấm gần 10 loại xe


Giadinh.net - Theo phương án được Cục Đường bộ (Bộ GTVT) phê duyệt, tất cả các phương tiện qua cầu Thăng Long sẽ đi theo phân luồng mới. Cấm tuyệt đối nhiều loại xe lưu thông qua cầu trong suốt thời gian thi công và kéo dài thời gian cấm lưu hành của xe tải trong ngày.

2.200 giờ thi công liên tục

Thời gian tới, cầu Thăng Long sẽ được nâng cấp. Ảnh: TL

Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô. Hoàn thành, thông xe kĩ thuật đầu năm 1984 và chính thức đưa vào sử dụng toàn phần tháng 5/1985. Theo số liệu từ Phòng Giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, có gần 14.000 lượt phương tiện lưu thông qua cầu/ngày đêm. Trong đó tập trung chủ yếu là xe tải, xe con, xe khách với trên 10.500 xe/ngày đêm. Sau hơn hai thập kỉ khai thác, mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp trầm trọng. Lớp bê tông nhựa phủ mặt cầu và lớp chống thấm đã bị biến dạng, khiến nước thấm xuống làm gỉ phần bản thép phía dưới. Do đó, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long vào tháng 10/2007. Trong đó, Cục Đường bộ Việt Nam là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 chịu trách nhiệm tổ chức quản lý dự án, Trung tâm tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ xây dựng công trình GTVT thuộc Viện KHCN Giao thông vận tải là đơn vị tư vấn thiết kế.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long giai đoạn 2 sẽ tiến hành các hạng mục như làm mới lớp phủ mặt cầu phần trên nhịp giàn thép trong phạm vi làn xe cơ giới, chiều rộng 15,6m, chiều dài 1.680m. Bóc bỏ toàn bộ lớp bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ, thay thế bằng vật liệu mới có chiều dày tương đương, thay mới các khe co giãn bị hỏng thuộc nhịp dàn thép. Toàn bộ chiều dài cầu được chia làm 5 phân đoạn, thi công 3 ca liên tục 24/24h trong vòng 3 tháng. Thời gian thi công mỗi phân đoạn dự tính trong vòng 14 ngày. Theo thông tin từ Ban Thanh tra đường bộ I, hiện vẫn chưa ấn định thời gian bắt đầu thi công cụ thể.

Xe máy, xe đạp sẽ đi tầng dưới của cầu

Để tiến hành phân luồng, hướng dẫn các phương tiện đi theo đúng chỉ dẫn, tại khu vực trên cầu, trong phạm vi các tuyến đường gom, đường giao cắt quanh khu vực thi công, Ban Thanh tra đường bộ I phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát, Bảo vệ của Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái cùng các lực lượng liên quan sẽ lập 14 tổ công tác với 40 người, chia ca, túc trực 24/24h.

Trong thời gian thi công, tất cả các phương tiện qua cầu Thăng Long đều phải đi theo nhiều hướng phân luồng mới. Theo đó cấm toàn bộ các loại xe siêu trường, siêu trọng, xe container, xe sơmi rơ mooc, xe máy thi công, xe tải có tổng trọng tải trên 25 tấn qua cầu. Xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô còn lại vẫn được phép lưu thông qua cầu bình thường trong suốt thời gian thi công. Mặt cầu sẽ được chia làm 2, một bên thi công thay mặt, một bên phân luồng thành 2 làn cho các phương tiện này qua lại. Ở giữa hai làn có gắn dải phân cách mềm có phản quang.

Cấm toàn bộ xe máy, xe tương tự xe máy, xe đạp qua tầng trên cầu trong thời gian thi công. Các phương tiện này sẽ lưu thông qua sông bằng 2 cánh gà tầng dưới của cầu. Cụ thể, phía Hà Nội đi Nội Bài, các loại xe máy, xe thô sơ đi trên đường Phạm Văn Đồng đến nút giao với đường Tân Xuân – Xuân Đỉnh thì rẽ trái vào đường này rồi đi vào đường gom để lên tầng dưới cầu Thăng Long. Các phương tiện tương tự đi từ đường Nguyễn Hoàng Tôn và cuối đường Phạm Văn Đồng rẽ phải tại nút giao đường Phạm Văn Đồng với đường vòng xuyến đi phía dưới đường dẫn cầu tới cầu đường sắt để lên tầng dưới cầu Thăng Long. Phía Nội Bài vào nội thành, các loại xe máy, xe thô sơ đi đến đầu cầu thì rẽ phải theo đường dưới chân cầu đi theo hướng Quốc lộ 3, qua trạm thu phí Bắc Thăng Long, đi vào đường gom để lên tầng dưới cầu Thăng Long.

Trong phương án, Ban Quản lý dự án 2 còn đề nghị Sở GTVT và Công an TP Hà Nội kéo dài thời gian cấm xe tải ra vào thành phố qua cầu Thăng Long, bố trí 2 xe cứu hộ giao thông túc trực 24/24 tại khu vực 2 đầu cầu nhằm xử lý các sự cố giao thông có thể xảy ra, nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt.

Cũng theo phương án tổ chức giao thông này, bên cạnh việc bố trí lực lượng phân luồng tại chỗ, khu vực gần công trường, Thanh tra Cục Đường bộ còn tổ chức lực lượng công tác cơ động và 1 tổ kiểm tra. Thêm vào đó là thành lập 3 tổ tiến hành phân luồng giao thông từ xa. Với các phương tiện vận tải từ các tỉnh thành phía Nam đi các tỉnh phía Bắc sẽ đi theo trục Láng – Hòa Lạc – QL 21 hoặc QL 32 qua cầu Phong Châu. Các phương tiện vận tải từ QL6 đi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc sẽ điều tiết tại ngã ba Xuân Mai (QL 6 giao đường Hồ Chí Minh) đi theo đường QL 21 – QL 32C qua cầu Phong Châu. Với phương tiện vận tải từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội, điều tiết theo đường Nội Bài – Bắc Ninh, QL 1A qua cầu Thanh Trì về Hà Nội.

Công Tâm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét