Hotline:

Hoa văn gốm sứ


TTCT - Con đường gốm sứ cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long có lẽ sắp hoàn thành. Con đường có thể được ghi vào sách kỷ lục. Và nó cũng được đầu tư kha khá tiền bạc.

Ảnh: Ach Thinh

Từ cầu Chương Dương đổ ra Yên Phụ đã hoàn thành được cả một quãng dài. Đã thấy được những con chim lạc trên mặt trống đồng Đông Sơn, cũng thấy được những hoa văn cổ xưa, cả những tấm logo của May 10, Thạch Bàn, Hanosimex, Sunco, Hanel.

Cũng thấy được chủ yếu là những hoa văn cũ, không có câu chuyện kể về sông Hồng, về những địa danh: bến Phà Đen, bến Đông Bộ Đầu, những trận đánh đã được ghi vào lịch sử và gắn liền với đoạn đường đê này như Đông Bộ Đầu, Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết; không có hình ảnh của những danh nhân gắn liền với con sông Hồng hay các triều đại của Thăng Long xưa...

Bên cạnh con đường gốm sứ là những cầu thang vượt đường dành cho người đi bộ, ở những góc khuất của những cầu thang ximăng vượt đường như thế, người ta cứ tự nhiên nhi nhiên “khoan tường” để giải quyết cho việc “bí tiểu”. Thế nên cứ cạnh cầu thang là có những đám nước ri rỉ chảy, trông như những “hoa văn” rỉ nước ở hầm đường bộ Kim Liên.

Qua cầu Chương Dương chừng 30m về phía đông, ở ngay ngã ba dẫn ra sông Hồng, nơi có bến du lịch sông Hồng tuyệt đẹp thì dưới gầm một cầu thang có một người trú ngụ cả năm rồi.

Đó là một người đàn ông chừng 40 tuổi. Chẳng kể nắng mưa gió rét, chẳng kể đông hè, ban ngày ông ta đi đâu đó, buổi tối lại ngồi xổm trên một tấm gỗ. 11 giờ đêm cũng vẫn còn ngồi. Chắc phải khuya lắm ông ta mới ngủ.

Hàng trăm lượt người đi qua, cả ngàn lượt người nhìn thấy cái dáng gầy gò ngồi bó gối, trên đầu sùm sụp một cái mũ lưỡi trai.

Ông ấy không có dáng vẻ của người mất trí hay ăn xin.

Nhưng chẳng ai biết ông ta ở đâu.

Cách chỗ của người đàn ông thứ nhất chừng non 1km, ngay đầu dốc Vạn Kiếp có người đàn ông thứ hai.

Cũng chừng hơn 40 tuổi.

Cũng không kể mưa nắng, đông hè, thu xuân hay đêm ngày. Ông ấy luôn ngồi bên vỉa hè, ngủ trên vỉa hè cùng với một cái bơm xe máy.

Cái đầu trọc và làn da đen trũi.

Hôm thì ông ngủ bên này đường, dưới tán cây trứng cá, hôm thì bên kia đường, nơi gần những bậc thang dành cho người đi bộ.

Và đây là câu chuyện của hai mẹ con, trong một buổi tối đi dạo:

- Mẹ ơi, sao hai ông ấy lại ngủ ở ngoài đường?

- Vì ông ấy không có nhà.

- Sao ông ấy không có nhà?

- Vì ông ấy nghèo khổ và không có tiền bạc, không có công việc nên không có nhà.

- Không có quạt, không có điều hòa, chắc nóng lắm?

- Rất nóng.

- Nếu trời mưa thì ông ấy ướt hết?

- Sẽ ướt hết.

- Nếu mùa đông lạnh thì ông ấy có thể sẽ chết rét?

- Đúng, có thể ông ấy sẽ chết rét.

- Đến mùa đông, con có thể cho ông ấy chiếc chăn của con không?

- Tất nhiên con có thể cho, nhưng con sẽ đắp bằng gì?

- Con sẽ vào nằm chung với bố mẹ.

- Con có hai chiếc chăn để cho cả hai người không?

Thằng bé im lặng.

...

- Người ta ghép những bông hoa và những con chim trên tường làm gì hả mẹ?

- Để làm đẹp đoạn đường này. Đây là con đường chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

- Khi thủ đô đủ 1.000 tuổi, con đường này chắc sẽ rất đẹp?

- Có thể, con ạ, khi dự án xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng được triển khai trong vài năm nữa. Cũng có thể con đường này sẽ đẹp hơn, nhưng cũng có thể vì mục đích xây dựng và quy hoạch, con đường đê này sẽ không còn nữa, người ta sẽ làm một tuyến đê mới, đường đê sẽ chuyển ra phía ngoài gần sông hơn, còn khu vực gần đê cũ người ta xây nhà, làm cảng, làm công viên và rất nhiều nhà cao tầng.

- Có thể sẽ có nhà cho các ông ấy ở, mẹ nhỉ.

- Ừ, có thể con ạ!


0 nhận xét:

Đăng nhận xét