Hotline:

Nhà thầu vô cảm!


TP - Trong lúc gần 500 Thanh tra Giao thông của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Sở GTVT và cảnh sát các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm căng sức 24/24 giờ đảm bảo an toàn giao thông cho cầu Thăng Long thì các nhà thầu lại quây mặt cầu bỏ đấy.

Hàng chục ngàn lượt ô tô hằng ngày phải đi lại khó khăn, một số xe phải đi vòng hàng chục kilômét, gây tốn kém thời gian, tiền bạc dường như trở nên vô nghĩa trước sự vô cảm của nhà thầu. Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Cục ĐBVN cho biết, sự cố ùn ứ giao thông chiều 31/10 diễn từ 16 giờ. Đến 19 giờ đoàn xe nối đuôi nhau hàng trăm chiếc bên bờ bắc cầu Thăng Long. Lượng xe kéo dài nhiều cây số chủ yếu là xe tải, xe container và xe khách đã gây cản trở nghiêm trọng cho giao thông toàn tuyến. Các dòng xe con, xe máy vì thế bị ùn ứ dây chuyền. Ông Đỗ Tuấn Anh Theo ông Đỗ Tuấn Anh, nguyên nhân chính tình trạng ùn ứ là các lái xe đỗ bên lề đường chờ đến 21 giờ để qua cầu Thăng Long vào nội thành Hà Nội. Nhiều xe khách chạy hướng Thái Nguyên - Mỹ Đình nếu phải đi theo phân luồng về cầu Vĩnh Tuy - Mỹ Đình sẽ xa hơn khoảng 50km so với băng qua cầu Thăng Long vào Mỹ Đình. Tương tự, với cánh xe tải nếu phải tránh hướng cầu Vĩnh Tuy cũng làm tăng quãng đường lên hàng chục kilômét. Kéo theo đó là chi phí đội lên hàng trăm ngàn đồng/lượt. Vì vậy, thay vì đi đường xa, các nhà xe đành dừng xe bên đường chịu mất thời gian chờ qua cầu để tiết kiệm chi phí. “Do lực lượng mỏng, lại xử lý không kiên quyết từ đầu nên số xe tải đỗ bên đường cứ nối đuôi nhau dài ra” - Ông Đỗ Tuấn Anh nói. Ngay trong đêm 31/10, đích thân Giám đốc CATP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có mặt tại hiện trường kiểm tra, chỉ đạo điều hành tổ chức giao thông. Tuy nhiên, do các xe tải đỗ tùy tiện, lại phải chờ đợi lâu nên đến giờ qua cầu đã xảy ra tình trạng giành đường, vượt ẩu khiến tình trạng giao thông thêm hỗn loạn. Cục ĐBVN và Thanh tra GTVT Hà Nội đã huy động trên 200 cán bộ đảm bảo điều tiết giao thông và phải đến gần 24 giờ đêm 31/10, tình hình giao thông mới trở lại bình thường. Cả đoạn dài công trình sửa chữa cầu Thăng Long không một bóng công nhân. Ảnh chụp lúc 11h ngày 1/11 - Ảnh: Hồng Vĩnh “ Mặc dù 20 giờ đêm 31/10 chúng tôi có mặt hiện trường, nhưng rất tiếc là toàn bộ phần mặt bằng cầu được quây rào lại để thi công không có người thi công”- một lãnh đạo CATP Hà Nội bức xúc. Theo CATP Hà Nội cũng trong đêm 31/10 CATP và Sở GTVT đã rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức giao thông. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tổ chức phân luồng từ xa như tại QL2 ( đoạn qua Vĩnh Phúc), hay từ phía Sân bay Nội Bài để các chủ phương tiện quyết định lộ trình, tránh tình trạng đổ dồn về phía chân cầu. Thanh tra GTVT Cục ĐBVN cũng cho biết đã tăng cường thêm 7 chốt từ xa, nâng tổng số chốt phía bờ bắc là 24 chốt với gần 200 cán bộ ứng trực 3 ca, 4 kíp 24/24 giờ. Tương tự, tại bờ nam Thanh tra GTVT Hà Nội cũng tung khoảng 150 quân dựng các chốt điều khiển giao thông 24/24 giờ. Vừa thi công vừa... học tập Báo cáo ngày 1/11 của Ban QKDA 2 (Cục ĐBVN) cho biết, công tác triển khai thi công của nhà thầu Bảo Quân có phần Công tác học tập . Theo đó, công tác học tập, chuyển giao công nghệ thi công lớp chống thấm: 14 giờ chiều ngày 27/10 chuyên gia của hãng Stirling Lloyd đã giảng lý thuyết tại trụ sở Cty Bảo Quân. Tham dự khóa học có đại diện Cục ĐBVN, Ban QLDA 2, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn lập định mức và nhà thầu Bảo Quân. Ông Trần Đăng Hải, Phó Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội cho biết, ngoài việc đảm bảo giao thông trên cầu (phía bờ nam), Thanh tra GTVT Hà Nội còn tăng cường lực lượng hỗ trợ cho bờ bắc và xử lý tình huống khẩn cấp trên cầu như xe tai nạn, xe chết máy... Theo ông Hải, ngay chiều 1/11 đơn vị đã cử người ứng trực trên đường dẫn phía bờ bắc để hướng dẫn và kiên quyết xử lý những xe dừng, đỗ vi phạm. Mặc dù các lực lượng chức năng gồng mình tổ chức giao thông trên cầu Thăng Long phục vụ công tác sửa cầu nhưng có mặt tại hiện trường ngày 1/11 chúng tôi vô cùng bất ngờ trước thái độ làm việc của các nhà thầu. Tại khớp nối giữa cầu (gói thầu của nhà thầu là Cty Vĩnh Hưng) chúng tôi chỉ thấy vài công nhân trong lán, một số ít làm việc. Khi chúng tôi ngỏ ý cần gặp người có trách nhiệm tại hiện trường thì một nhân viên tên L bật máy điện thoại gọi liên tục. Cuối cùng anh ta lắc đầu không liên hệ được với lãnh đạo . Ngay cạnh đó là gói thầu của Cty Bảo Quân (gói thầu cào bóc lớp nhựa cũ và thảm lại mặt cầu). Ngó qua hàng rào tôn kín, chúng tôi không thấy một bóng người. Tiến thêm vài trăm mét trên cầu, chúng tôi cũng chỉ thấy ngổn ngang những cọc rào đang dựng dở dang. Bên trong công trường những lớp nhựa được cào lên lổn nhổn. Cũng không bóng công nhân! Đi cuối công trường vế phía bờ bắc may mắn có duy nhất lái xe gàu đang ngồi trên cabin vẻ uể oải. Trao đổi với PV Tiền Phong , cả Thanh tra GTVT Hà Nội lẫn Thanh tra GTVT Cục ĐBVN đều cho rằng, Cục ĐBVN cần phải có biện pháp chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, làm việc ba ca liên tục cả ngày nghỉ và ngày lễ, tránh tình trạng quây rào để đó. Cầu Thăng Long hiện là trục giao thông huyết mạch nối các tỉnh phía Bắc với Hà Nội, đặc biệt là trục đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành. Việc thi công dự án chậm ngày nào gây thiệt hại lớn cho xã hội ngày đó. Dự án sửa cầu Thăng Long triển khai quá chậm Ngày 31/10/2007, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Một năm sau ngày 16/10/2008 Cục ĐBVN mới phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Ngày 27/5/2009, Cục ĐBVN mới phê duyệt phương án đảm bảo giao thông trong quá trình thi công sửa chữa cầu Thăng Long. Và 5 tháng sau, ngày 23/10/2009 dự án mới được triển khai thi công. Dự kiến dự án hoàn thành sau 3 tháng. Việc triển khai dự án này là quá chậm.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét