Hotline:

Những trò ma mị của “mẫu' Điền


Mới đây, bà Nguyễn Thị Điền (thôn Bài Lâm Hạ, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã tổ chức giảng đạo và ban “nước thánh” để chữa bệnh. Thực hư câu chuyện này như thế nào và vì sao việc làm của “mẫu” Điền vẫn tồn tại trong thời gian dài? Phóng viên NNVN đã nhập vào đoàn người để nghe giảng đạo và xin “nước thánh”.

Đi xin “nước thánh”

Hàng trăm người tụ tập tại điện thờ của "mẫu" Điền giảng đạo

Tự nhận là “Thánh mẫu”, bà Điền hành nghề chữa bệnh bằng “nước thánh” và rao giảng đạo trái phép đã gần chục năm nay. Tuy nhiên, tên tuổi của bà mới thật sự nổi danh từ đầu năm 2009 đến nay…

Những người mê muội

Biết tin “Thánh mẫu” Điền tổ chức giảng đạo và cho “nước thánh” chữa bệnh nên từ sáng sớm chúng tôi đã về Hồng Quang. Mới sáng sớm nhưng dọc đường nhựa dẫn vào thôn Bài Lâm Hạ, hàng chục xe ô tô khách từ các tỉnh đổ về đỗ tràn ra cả lề đường. Cạnh nhà “Thánh mẫu” các dịch vụ gửi xe máy, bán hàng, mời khách trọ tranh cướp nhau. Cả một đoạn đường từ nhà “mẫu” Điền đến chân cầu Đục Khê dài mấy trăm mét bị ùn tắc. Sau cả tiếng đồng hồ, khi các con nhang đệ tử của “mẫu” Điền rút vào trong “phủ” trật tự mới được vãn hồi.

Nơi hành nghề của “mẫu” Điền nằm cạnh đường 432, sát chân cầu Đục Khê bên bến Đục, trên đường vào chùa Hương. Lối vào nhà “Thánh mẫu” hàng quán bày thành hai hàng thẳng tắp giống như một chợ cóc ở quê để phục vụ người đến đi lễ. Phía trong sân người ra vào tấp nập và ngay chính giữa cửa vào là ban đón tiếp. Ban này có chức năng hướng dẫn, ghi tên thu nạp “đệ tử” mới. Đi vào trong nhà một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có. Hàng trăm người lèn chặt như nêm. Người nằm, người ngồi, già trẻ, gái trai đủ cả trông chẳng khác gì một bệnh viện đa khoa. Người bị đau chân, đau mắt, bại liệt, thậm chí có những người bị ung thư xạ trị rụng hết tóc cũng cố chen lấn để được “Thánh mẫu” ra tay cứu giúp.

Thấy chúng tôi lơ ngơ, một người đàn ông luống tuổi chống nạng tỏ ý giúp đỡ: “Đến đây lần đầu à? Đã “quy” chưa?”. “Quy” là gì hả bác? Ôi cái thằng này, đến đây còn hỏi thế. Quy là làm thủ tục nhập môn, sau khi đã đồng ý theo đạo này sẽ được “mẫu” Điền giảng đạo. Mà có “quy” thì dùng “nước thánh” của mẫu mới linh cháu ạ”. Ông kể rằng, ông ở thị trấn Mộc Châu (Sơn La) bị ngã xe máy khiến chiếc chân trái bị gẫy ba chỗ. Tuổi già, ông chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình vẫn chưa khỏi.

Nghe tin ở Bài Lâm Hạ sinh “Thánh mẫu”, ông bắt con chở ông về tận nơi để “quy” theo đạo “mẫu” Điền mong cho chân được lành lặn trở lại. Trước khi “quy”, ông này đã hướng dẫn tôi ra chỗ cửa sổ nơi hàng chục người đang xếp hàng chờ đợi, ở đó sẽ bán đủ bộ “kinh thánh” do “mẫu” Điền viết ra. Kiên nhẫn chờ đợi, tôi cũng có bộ kinh. Nhìn mấy cuốn sách viết bằng tay, photocopy lem nhem tôi quay lại thắc mắc với ông già vì sách bán đắt quá.

Tôi không biết nói như vậy là “xúc phạm” đến thánh mẫu nên lập tức ông đã quát cho tôi một trận: “Phủi phui cái mồm nhà anh. Thánh vật nhà anh đi. Trong sách toàn lời vàng ngọc, mỗi từ, mỗi chữ là chữa được bệnh. Sách này là do “mẫu” Điền viết ra, chứ không phải hạng vừa đâu”. Ông già to tiếng khiến mọi ánh mắt đổ dồn về phía chúng tôi, ông già được thể càng quát hăng hơn khiến tôi ngượng chín cả mặt tìm cách lẩn vào đám đông.

“Nước thánh” là nước… giếng khoan

Sau khi học được bài học đầu tiên tôi quyết định đi tìm xem “Thánh mẫu” ở đâu, xem dung nhan của “thánh” thế nào mà được mọi người sùng bái như vậy. Điện thờ của “mẫu” Điền nằm trên gác hai và “Thánh mẫu” luôn ở trên điện. Thế nhưng để lên được đó chẳng dễ chút nào bởi mỗi bậc cầu thang đều kín hết người. Ai cũng cố chen vì nghe nói đứng được gần “thánh” thì càng tốt bởi vậy đứng cầu thang cũng là tốt lắm nên chẳng ai phàn nàn điều gì. Len mãi cũng đến được điện thờ. Điện của “mẫu” Điền rộng như một cái hội trường, trong điện người khỏe thì đứng, người già trẻ nhỏ thì ngồi, người bệnh nằm…

Cả hội trường trăm mét vuông nhưng không có nổi một chỗ trống. Phía trên cùng là bàn thờ, chính giữa treo tấm biển sơn son thiếp vàng ghi dòng chữ: Hoàng Thiên Long - nơi đấng âu lạc thiên trao ngọc hạp, sáng soi kẽ đời. Chỗ “thánh” ngồi còn được trang bị micro và hệ thống loa hiện đại. Giữa điện còn có máy quay camera dùng để ghi hình lại những buổi thuyết giáo của “thánh mẫu”. Những bài giảng này sau đó copy vào đĩa và bán cho các đệ tử mỗi đĩa 8 nghìn đồng.

Lấy “nước thánh” tại nhà “mẫu” Điền

Tôi và một đồng nghiệp đang ngó nghiêng và thắc mắc không hiểu “Thánh mẫu” ở đâu, một người sau lưng chen vào: “Thánh mẫu” nghỉ ngơi rồi. Giảng đạo từ lúc 6h sáng đâu đến giờ này để anh chị xem”. Hóa ra “Thánh mẫu” đã xong buổi giảng đạo, còn những người vẫn kiên nhẫn ngồi chờ là để đến chiều “Thánh quy”, lúc đó lấy nước thánh về mới có hiệu lực. Dù phải đợi nhiều tiếng đồng hồ trong căn phòng oi bức nhưng chẳng ai rời chỗ của mình bởi khó khăn lắm họ mới có một chỗ trong điện. Ai chậm chân chỉ được nghe “Thánh mẫu” giảng đạo qua năm chiếc màn hình ti vi được gắn ở cầu thang, hành lang, phòng dưới tầng một. Tất nhiên là “truyền trực tiếp” buổi giảng đạo từ điện của thánh mẫu.

Đang định ngồi vào một góc điện lập tức một “đệ tử” của thánh nhắc nhở: “Làm thủ tục “quy” chưa mà đòi lên đây”. Theo sự chỉ dẫn của người này, chúng tôi phải vòng xuống tầng một làm thủ tục đăng ký. Người giúp việc của “Thánh mẫu” là một phụ nữ đã ngoài bốn mươi tuổi rất tận tình giúp tôi hoàn thiện hồ sơ. Sau khi đã khai tên tuổi, địa chỉ theo mẫu in sẵn xong. Bà bảo: “Theo lệ mỗi người đăng ký “quy” theo “mẫu” tùy lòng thành tâm, nhưng đóng góp ít nhất là 500.000đ để xây điện”. Khoản tiền đóng góp quá lớn, tôi đành thoái thác là không mang đủ tiền. Xin khất để hôm khác đến đóng sau. Bà nguýt tôi một cái dài thườn thượt: “Nhìn cái mặt đó đâu đến nỗi thiếu tiền. Nói dối “mẫu” thì “thánh” vật cho chết, không kịp ngáp chứ chẳng chơi”.

Hỏi chuyện nhiều con nhang đệ tử của “Thánh mẫu” mới biết việc gặp trực tiếp là không thể. Ai cũng chỉ được chiêm ngưỡng “mẫu” từ xa trên điện thờ. Tuy nhiên muốn nhìn trực tiếp thì vào những ngày giảng đạo là mồng 1, ngày rằm nhưng cũng phải đến từ lúc 2-3h sáng, lên ngồi sẵn trên điện, còn đến muộn là phải nghe giảng qua ti vi.

Sau khi thất bại trong việc diện kiến “thánh mẫu” chúng tôi quay ra phía sau nhà ngồi nghỉ. Tuy nhiên, ra đây cảnh tượng chen chúc càng khủng khiếp hơn bởi đây là chỗ lấy “nước thánh”. Thấy chúng tôi, mấy bà bán chai nhựa mời chào nhiệt tình: “Mua chai đi, 2 nghìn đồng một chai”. Và cũng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, hai bao tải chai đã được bán gọn. Chúng tôi cũng mua mỗi người một chiếc rồi đi theo mọi người xếp thành hàng để lấy nước. Hóa ra “nước thánh” là mấy cái vòi được bắt từ cái giếng khoan cạnh nhà của “mẫu” Điền.

Vậy mà, người già, người trẻ thi nhau uống như người bị khát nước giữa sa mạc. Mọi người vừa uống, vừa lẩm bẩm khấn vái: “Lạy mẫu! Đức thánh linh thiêng, ban cho con phước lành để khỏi bệnh”. Chị Lan ở người ở Thái Bình cho tôi biết: “Phải có lòng tin, bệnh tình mới khỏi. Nguồn nước ở nhà “mẫu” là “nước thánh”. Không ở nơi nào có được. Thánh đã yểm bùa vào nước rồi”. Người uống đã khổ có người còn cố rửa mặt, rửa tay, dội lên người. Vẫn chưa yên tâm có người còn bê luôn cả chậu đưa vào nhà tắm để tắm cho đã. (Còn nữa)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét